(PLO)- Đội bóng nhí vào hang động Tham Luang để thực hiện một nghi thức nhập tục địa phương rồi bị lũ bất ngờ phong tỏa lối ra.
Thợ lặn người Bỉ Ben Raymenants – người cách hai đồng nghiệp người Anh Rick Stanton và John Volanthen thời điểm họ phát hiện đội bóng nhí còn sống 400 m – ngày 3-7 đã trao đổi với Sky News về lý do tại sao các cậu bé lại đi vào trong hang động Tham Luang để rồi bị mắc kẹt.
Theo ông Raymenants, lý do các cậu bé vào trong hang động là để thực hiện một nghi thức nhập tục địa phương.
“Chúng không có thức ăn. Chúng bỏ lại ba lô và giày trước khi đi vào hang động, cố gắng đi hết đường hầm như một nghi thức nhập tục với các cậu bé địa phương, sau đó viết tên lên một tảng đá rồi quay trở lại.
Không may một trận lũ bất ngờ vì mưa lớn đã chặn lối ra, chúng bị phong tỏa trong hang động trong tình trạng chân không giày, không thức ăn. Chúng chỉ có một chiếc đèn đã hết pin” – ông Raymenants nói với Sky News.
Thợ lặn Ben Raymenants trả lời phỏng vấn Sky News. Ảnh: SKY NEWS
Ông Raymenants mô tả quá trình tìm kiếm đội bóng nhí tốn rất nhiều công sức, mệt mỏi.
“Đó là một hệ thống hang động cực kỳ phức tạp. Nó rất dài, một trong những hang động dài nhất Thái Lan và có một hệ thống ngõ ngách phức tạp.
Đặc nhiệm hải quân Thái Lan không chuyên về lặn trong hang động, vì thế chúng tôi thay phiên với đội lặn người Anh lắp đặt hệ thống dây thừng vào sâu 2,5 km trong hang động, tìm đường đến khu vực mà chúng tôi đoán các cậu bé đang ẩn náu”.
Có một bản đồ đã 30 năm tuổi do một nhà nghiên cứu hang động người Pháp thực hiện và được một số nhà nghiên cứu hang động người Anh chỉnh sửa. Đó là tất cả những gì cơ bản chúng tôi có. Chúng tôi khoanh vùng bọn trẻ có thể ở trong một trong hai khu vực. Một ở khu vực bãi biển Pattaya và một khu vực khô ráo khác. Đó đơn thuần chỉ là dự đoán và may mắn là chúng ở đó thật”.
Ông Raymenants cũng trao đổi với Sky News tình trạng các cậu bé.
“Tình trạng các cậu bé giờ đã ổn định. Tinh thần rất tốt, tốt hơn mong đợi. Nhưng các cậu bé cũng rất yếu. Chúng đã không được ăn chút thức ăn đặc nào trong 10 ngày, chỉ uống nước chảy ra từ khe đá. Hiện hai bác sĩ quân y của lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Lan đang chăm những cậu bé ăn lại một cách từ từ để chúng hồi phục lại. Sau đó chúng ta mới đánh giá có tiến hành giải cứu được hay không.
Trước tiên các cậu bé cần khôi phục sức mạnh đã, vì ngay lúc này chúng chẳng thể làm được điều gì. Chúng bị teo cơ, đứng còn không nổi. Vì thế chúng đang được ăn lại để có lại sức mạnh”.
Theo ông Raymenants, lúc này có ba phương án giải cứu đang được cân nhắc.
“Một là dạy bọn trẻ lặn. Chúng phải lặn ít nhất 2,5 km qua hệ thống đường hầm vòng vèo phức tạp và chật hẹp. Đây không phải là giải pháp dễ nhất.
Thứ hai là phải bơm sạch nước trong hang động. Nhưng lại đang có dự báo sẽ có mưa lớn trong hai ngày tới.
Phương án cuối là ngồi tại chỗ và chờ. Hai nhân viên y tế thuộc lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Lan đã tình nguyện vào chỗ bọn trẻ chăm sóc chúng ăn uống, ở lại cùng chúng 3-4 tháng đến khi nước rút”.
Lực lượng cứu hộ vẫn trực chiến ngoài hang động. Ảnh: REUTERS
Trong ba phương án, ông Raymenants đặc biệt lo ngại phương án cho bọn trẻ lặn ra ngoài.
“Đây là một trong những đợt lặn hang động khó khăn nhất mà tôi từng thực hiện. Nó rất xa và rất phức tạp. Nước lại mạnh. Tầm nhìn có lúc bằng 0. Vì thế có rủi ro là bọn trẻ sẽ hoảng sợ khi được đưa xuống nước. Chúng thậm chí không thể bơi…
Chúng tôi tốn tới bốn tiếng đồng hồ chỉ để lặn tới nơi bọn trẻ ẩn náu. Thực sự là một cuộc lặn dài. Vì thế thật sự rất khó để nói phương án nào là tốt nhất”.
Về phương án chờ nước rút, ông Raymenants cũng không lạc quan.
“Vì bọn trẻ không thể bơi nên không nghi ngờ gì chúng không thể lặn… Phương án tốt nhất là tiếp tục bơm nước ra khỏi hang động. Lực lượng cứu hộ cần giảm mực nước xuống 1-1,2 m nữa. Dự báo sẽ có bão và mưa rất lớn có nguy cơ gây ngập toàn bộ hang động, lúc đó công tác giải cứu sẽ không thực hiện được”.
Vì thế, theo ông Raymenants, “thời tiết sẽ là yếu tố quyết định”.
(Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh online)