Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra trên tỉnh lộ 156, xã Tân Tiến, H.Bảo Yên, Lào Cai tối 11.8 khiến 2 người tử vong  /// Khánh Vân

Hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra trên tỉnh lộ 156, xã Tân Tiến, H.Bảo Yên, Lào Cai tối 11.8 khiến 2 người tử vong
 
 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 – 7, tức là từ 40 – 60 km/giờ, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 13 giờ ngày 13.8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ vĩ bắc và 113,0 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, tức là từ 60 – 75 km/giờ, giật cấp 10.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, trong 24 giờ tới vùng nguy hiểm trên Biển Đông có gió mạnh cấp 6 trở lên là phía bắc vĩ tuyến 19,5 độ vĩ bắc.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão, trong ngày 14 – 15.8 ở Bắc bộ có mưa rải rác, từ đêm 15.8 đến ngày 17.8 ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ sẽ có mưa to đến rất to, dự báo tổng lượng mưa 250 – 350 mm/đợt.
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, mưa lớn trong những ngày vừa qua đã xảy ra vụ sạt lử đất nghiêm trọng tại tỉnh lộ 156, thuộc xã Tân Tiến, H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Sự việc xảy ra trong tối 11.8, phía ta luy dương tỉnh lộ 156 bất ngờ sạt xuống lấp một đoạn đường khiến 2 người đi xe máy qua đây bị tử vong.
Ngay trong đêm 11.8, chính quyền địa phương đã huy động 120 người cùng phương tiện máy móc tìm được thi thể các nạn nhân và khắc phục giao thông thông tuyến trở lại trong ngày 12.8.
Còn tại Yên Bái, mưa lớn xảy ra rạng sáng 12.8 đã gây giông lốc ở nhiều địa bàn các xã Minh Xuân, Liễu Đô, Mường Lai, H.Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Theo thống kê đến chiều 12.8, giông lốc ở các địa phương nói trên đã làm sập 6 nhà dân và khiến 60 ngôi nhà khác bị tốc mái, hư hỏng nặng.
An Giang: Nước lũ lên nhanh gần mức báo động 2
Ngày 12.8, ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, cho biết do lũ thượng nguồn sông Mê Kông về kết hợp với mưa nhiều ngày qua và đợt triều đầu tháng 7 âm lịch nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) đang lên nhanh.

Nước lũ ở đầu nguồn An Giang đang lên nhanh, xấp xỉ báo động 2 Ảnh: Đặng Ngọc

Nước lũ ở đầu nguồn An Giang đang lên nhanh, xấp xỉ báo động 2

ẢNH: ĐẶNG NGỌC

Mực nước ngày 12.8 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 3,64 m, trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc là 3,05 m, cao hơn cùng kỳ năm 2017 từ 0,21 – 0,29 m. Dự báo đến ngày 15.8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,80 m, xấp xỉ báo động 2.
Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên nhanh và diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp và ảnh hưởng đến các khu vực có hệ thống đê bao, cống bửng xung yếu; đặc biệt là trên 120.000 ha lúa hè thu và 6.125 ha rau màu của nông dân chưa thu hoạch. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang đề nghị các cấp, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

(Theo thanhnien.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *