Luồng gió mới cho dịch vụ logistics phát triển

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ được coi là bước đột phá mới, sẽ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới.

Logistics Việt Nam đã có một chương trình hành động cụ thể, với nhiều kỳ vọng cho sự phát triển

“Miếng bánh ngon” của DN nước ngoài

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), ngành logistics Việt Nam đang xếp hạng 64/160 trên toàn thế giới với điểm (LPI) 2,98 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn theo Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA), Việt Nam mới có khoảng 1.500 DN logistics so với con số 900.000 DN hiện nay, DN Việt Nam lại đa số là nhỏ và vừa nên mức đóng góp cho nền kinh tế chỉ vào khoảng 2-3%. Vốn điều lệ bình quân của các DN chỉ khoảng 4-6 tỷ đồng, số DN vừa và nhỏ chiếm 72% (vốn dưới 20 tỷ đồng) với số lượng lao động 30-40 người, trong đó chỉ 5-7% có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đáng chú ý, gần 70% DN logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài. Chính vì thế, chỉ có 25% thị phần nằm trong tay DN Việt Nam, “miếng bánh” lớn 75% còn lại ở trong tay DN nước ngoài.

Theo cam kết WTO, từ năm 2014, hầu hết dịch vụ logistics đều được dỡ bỏ rào cản cho các DN nước ngoài được gia nhập thị trường với mức vốn 100%. Chính vì thế, các DN logistics trong nước đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm thị phần và bị DN nước ngoài mua lại, chi phối cổ phần. Thực tế cho thấy, thị trường logistics Việt Nam đã xuất hiện đầy đủ các tên tuổi lớn trên thế giới như: DHL, Maersk Logistics, APL Logistics, NYK, UPS… Chưa kể, nhiều DN lớn của Việt Nam đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần như: Vinafco được một DN Nhật Bản mua lại 35% cổ phần, hãng Kerry Logistics mua cổ phần của Tín Thành Express…

Theo các chuyên gia, tự do hóa trong lĩnh vực logistics theo yêu cầu của WTO vừa là cơ hội khi các DN Việt Nam có thể tiếp nhận những kinh nghiệm trong quản lý mạng lưới logistics toàn cầu nhưng cũng là thách thức khi DN trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển nguồn lực theo chiều sâu để có thể đủ sức cạnh tranh. Theo ông Ngô Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Thắng Lợi, Việt Nam mở cửa nên thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Với các DN này, họ thường không tự làm các dịch vụ về vận tải, XNK mà sẽ đi thuê lại các công ty của Việt Nam. Chính vì thế, cơ hội công việc đến với các DN logistics của Việt Nam nhiều hơn, nhưng phải DN nào làm tốt, dịch vụ uy tín mới được các DN lớn lựa chọn, nếu không, các DN trong nước chỉ làm ăn nhỏ lẻ, đi thuê lại của nhau.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu DN cứ làm ăn nhỏ lẻ, không có sự phát triển mạnh thì những cơ hội mà DN nước ngoài mang lại chỉ ở mức ngắn hạn, về dài hạn, các DN cần tự chủ động, không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn phải tự tạo ra nhu cầu cho khách hàng. PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại thương) cho hay, trong khi nhiều DN logistics trong nước thiếu khách hàng thì không ít DN sản xuất lại “kêu ca” không tìm được dịch vụ hợp lý. Nguyên nhân bởi các DN này chưa tìm được tiếng nói chung, đặc biệt là thiếu sự chủ động từ các DN dịch vụ logistics. DN logistics là người cung cấp dịch vụ nên cần đi tiên phong, bắt tay với khách hàng, hoàn thiện dịch vụ cung ứng để tạo thành chuỗi liên kết, thậm chí các DN logistics phải là người sáng tạo, nghĩ ra nguồn “cung” để mời gọi khách hàng sử dụng. Điều này đã được các DN nước ngoài áp dụng rất tốt nên họ mới có khả năng chiếm được phần lớn thị phần.

Hy vọng tới năm 2025?

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Là đơn vị chủ đạo xây dựng bản kế hoạch này, Cục XNK (Bộ Công Thương) đánh giá, đây được coi là bước đột phá mới, sẽ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới. Cục XNK nhận định, mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt là điểm nổi bật khi hội nhập sâu rộng, trong khi năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam còn thấp, do vậy, cần tận dụng cơ hội và cả thách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.

“Một chương trình hành động thực tế, có mục tiêu cụ thể và được triển khai nghiêm túc sẽ không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới, mà còn giúp cho ngành logistics phát triển bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ những sự cố không mong muốn và phản ứng nhanh với các sự cố trong chuỗi cung ứng, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn với chi phí lao động cạnh tranh hay thị trường rộng lớn mà còn là nơi có hoạt động thương mại thuận lợi”, theo đánh giá của Cục XNK.

Cũng kỳ vọng vào bản kế hoạch được Chính phủ ban hành, ông Trần Bình Phú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu Vietfracht cho hay, ngành đóng tàu và vận tải biển trong nước gặp nhiều khó khăn, vì thế, Vietfracht đã tái cơ cấu đội tàu, chuyển sang hoạt động mạnh hơn trong lĩnh vực giao nhận, vận tải đường bộ, khai thuê hải quan, cho thuê kho bãi… do có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa có nhiều chính sách ưu đãi nên bản kế hoạch mới đây đã mang lại nhiều kỳ vọng, là động lực để DN quyết tâm hơn. Tuy nhiên, năng lực thực thi của các cơ quan quản lý là điều cốt yếu khi các nhiệm vụ để phát triển ngành này rất nặng nề.

Như vậy, với quan điểm và quyết tâm hỗ trợ ngành logistics phát triển của Chính phủ, các DN logistics trong nước đang đứng trước cơ hội lớn, có nhiều điều kiện và khả năng để trả lời cho câu hỏi “DN logistics Việt Nam còn yếu đến bao giờ?”. Điều quan trọng không chỉ là quyết tâm của các cơ quan quản lý mà phải cần đến sự chủ động, năng động tận dụng cơ hội từ chính DN.

(nguồn http://mt.gov.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *